Kinh nghiệm lái xe khi di chuyển trên đường trường


1. Cầm vô lăng

 


Kỹ năng cầm vô lăng

 

Về cơ bản thì bạn nên cầm vô lăng ở vị trí thoải mái nhất. Nhưng cũng nên lưu ý một số điểm sau:
  • Cầm vô lăng nhẹ nhàng, vừa phải, không ôm ghì vô lăng
  • Nên cầm vô lăng bằng cả hai tay, trừ trường hợp một tay phải cần đặt sẵn cần số khi đường đông phải lên xuống số liên tục, hoặc khi đi đường dài có thể tạm nghỉ thư giãn một tay (khi thấy có đủ an toàn).
  • Nếu tưởng tượng vô lăng như mặt đồng hồ, thì hai tay lên vô lăng vào những vị trí số 9-3 giờ, hoặc 10-2 giờ. Khi lái đường xa, có thể đặt chùng tay ở vị trí 8-4 giờ giúp đỡ mỏi tay hơn. Cá nhân tôi hay dùng, và cũng là vị trí ông thầy tôi dạy trước đây: vị trí 10-3 giờ (hay 10 giờ 15 phút).
     

2. Đánh lái

 


Kỹ năng đánh lái

 

Kỹ phổ biến mà tôi thấy hiện nay (và cũng đang áp dụng) trong trường hợp lái bình thường, không gấp là đánh lái kéo đẩy.
Khi đã có kinh nghiệm lái xe dầy dặn như mấy bác tài lái xe khách bắc nam, thì bạn có thể dùng 1 tay trái hoặc phải đánh lái kiểu xoa tay (dùng lòng bàn tay tì và xoay vòng tay lái). Cách lái xe ô tô bằng lòng bàn tay này được sử dụng hiệu quả trong những tình huống bất ngờ và phải quay vô lăng nhanh với góc quay lớn. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn không thích, thậm chí phản đối cách đánh lái xoa tay này.
 
Bạn cũng không nên đánh lái chết (vặn vô lăng khi xe đang dừng), vì như vậy vừa gây mòn lốp trước và hại hệ thống lái, vừa khó cảm nhận về hướng xe sẽ dịch chuyển (khi bắt đầu chuyển động sau khi dừng). Nên căn trước góc quay để đánh hoặc trả lái khi xe còn đang chuyển động, đến khi xe dừng là cũng dừng đánh lái.
 
Vào ngã ba, ngã tư: luôn bật xi nhan trước khi rẽ, khoảng cách bật trước tùy thuộc vào tốc độ và lưu lượng giao thông, nhưng theo tôi nên bật xi nhan sớm một chút thì tốt hơn muộn. Khi qua ngã tư, lưu ý không bật đèn khẩn cấp (hazard light) để báo hiệu đi thẳng như nhiều bác tài vẫn hiểu nhầm.
 
Khi rẽ phải, nhớ ôm cua khi xe vào ngã rẽ, tránh để đầu xe vươn ra giữa dòng xe dễ gây va chạm với các xe cùng dòng rẽ phải, hoặc lấn sang làn ngược chiều. Khi rẽ trái, không cắt cua chiếm đường của dòng xe ngược hướng lại dễ gây ùn tắc giao thông. 
 

3. Kỹ thuật Lùi – Đỗ

 

Lùi đỗ xe là một trong những kỹ thuật khó với người mới học. Vì thế, đó cũng là kinh nghiệm lái xe thú vị mà những tay lái già thường thích thể hiện với đàn em. Tôi có ông anh lái xe container chuyên nghiệp, rất thích thú khi kể chuyện mình có thể lùi được vào những cửa kho hoặc đoạn đường khó mà nhiều người khác không làm được.
 
Có hai kiểu phổ biến mà bạn sẽ gặp phải là lùi đỗ song song, và lùi đỗ vuông góc (còn hay gọi là lùi chuồng).Lùi đỗ song song thường hay gặp nhất, chẳng hạn như đỗ xe dọc theo mép vỉa hè (nhưng rất tiếc hiện chương trình dạy lái xe B2 không có). Hồi mới sắm xe, tôi phải đưa con đến trường buổi sáng.

Mấy hôm đầu thấy rất ngán khi phải đậu dọc vỉa hè trong lúc luồng giao thông đông đúc vẫn đi qua ào ào. Nhưng làm vài lần cũng quen.

Việc đỗ xe song song cơ bản gồm 3 bước:
  1. Lùi một góc xiên khoảng 30-45 độ để đặt được bánh sau hay đuôi xe vào gần sát với vỉa hè;
  2. Đánh lái sang hết bên trái (hoặc phải, tùy hướng phải dịch đầu vào) và tiếp tục lùi chậm để kéo đầu xe vào sát với vỉa hè;
  3. Khi thân xe đã song song với vỉa hè thì trả lái, tiến lên hay lùi xuống cho đúng chỗ.
Trên đây là một số kinh nghiệm lái xe dành cho tài mới mà tôi thấy hữu ích và tổng hợp lại.
Ngoài ra còn có cách truyền kinh nghiệm lái xe qua các câu văn vần. Vừa hay, vừa thiết thực, lại dễ nhớ, chẳng hạn như:
  1. Tiến bám lưng, lùi bám bụng
  2. Mưa tránh trắng, nắng tránh đen
  3. Chó tránh đầu, trâu tránh đít…