Số tự động là gì vậy ?

Đó là loại xe ô tô mà việc tăng giảm số sẽ do hệ thống trên xe thực hiện tự động, phù hợp với tốc độ và sức tải thực tế của xe. Loại này phân biệt với loại còn lại là xe số sàn (còn gọi là xe số tay).

Ở vị trí ghế lái, bạn sẽ thấy có 2 đặc điểm nhận dạng khá rõ của loại số tự động là:

  • Trên xe sẽ không có chân côn (bàn đạp ly hợp) phía bên chân trái tài xế như xe số sàn.
  • Cần số tự động thường có các chữ P-R-N-D (chi tiết như dưới).

Với loại xế hộp tự động này, thao tác điều khiển đơn giản chỉ là đạp ga để xe chuyển động hoặc tăng tốc, và khi cần thì nhả ga, đạp phanh để xe giảm tốc và dừng lại.

Cùng là xe tự động, nhưng nếu bạn để ý thì hộp số lại được chia thành 2 loại chính:

  • Tự động vô cấp CVT (Continuously Variable Transmission): truyền động bằng dây đai, với 2 puly của bộ truyền động có thể thay đổi được đường kính cho phép bộ truyền động này có thể tạo ra vô số tỷ số truyền 1 cách liên tục chứ không tách biệt riêng rẽ các số. Có bác Vietvoiz trên diễn đàn Otofun dịch khá sáng tạo: CVT = Chuyển số Vô cấp Tự động, tôi thấy cũng khá thú vị.
  • Tự động có cấp số: sử dụng các cặp bánh răng để truyền động, thường có 5 – 7 cấp số tùy dòng xe và hãng xe. Hộp số thường có các chế độ là P-R-N-D. Trong đó, P là Parking: đỗ xe, R là Reverse: số lùi, N là Neutral: số 0, D là Drive: số tiến. Đa số xe còn kèm theo chế độ bán tự động +/-, và các số L2-L1…

Ưu điểm của xe số tự động

  • Ưu điểm lớn nhất của dòng xe này là thao tác đơn giản, thuận tiện vì không cần phải phối hợp ga-côn-số khi thay đổi tốc độ xe. Việc thay đổi số đã được hệ thống trên xe tự thực hiện rồi. Khi đi trên đường đô thị những chỗ đông người, hoặc lúc tắc đường, bạn sẽ thấy đặc điểm này cực kỳ hữu ích, cũng giống như đi xe máy tay ga nhàn hơn xe máy số vậy.
  • Còn nhớ trước đây có lần tôi đi xe số sàn, bị tắc đường trên quốc lộ 18 (Quảng Ninh – Hà Nội), xe nhích từng tí một, liên tục phải đổi giữa số 0 và 1 (thỉnh thoảng lên 2). Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, thì chân trái phải đạp hoặc tì côn nhiều nên mỏi rã rời. Rõ ràng nghĩ lại những lúc như thế tôi mới thấy cái an nhàn khi đi xe số tự động như hiện tại.
  • Ngoài ra, xe số tự động ít bị chết máy, hoặc “giật cục” khi thay đổi số. Đặc tính này rất quan trọng với người mới lái xe, vì ít bị cảm giác lo nơm nớp xe chết máy giữa đường, nhất là tại những chỗ dừng xe chờ đèn đỏ. Hoặc khi địa hình phức tạp, nhiều dốc cũng an toàn hơn vì ít khả năng bị chết máy, hay trôi dốc.

Và nhược điểm của số tự động

  • Xe tự động thường tiêu hao nhiên liệu hơn xe số sàn cùng phân khúc. Tất nhiên công nghệ xe hơi hiện đại đã khắc phục được đáng kể nhược điểm này, và mức chênh lệch tiêu thụ không còn nhiều như trước đây.
  • Chạy không bốc như xe số tay, và thiếu cảm giác phiêu hay phong thái “men-nì” (manny) của xe số sàn. Cái này thì nhiều bác thích tốc độ sẽ cảm nhận rõ hơn cả. Tôi xin trích một đoạn thơ của tác giả Duy Tuấn đăng trên vnexpress thể hiện về cảm nhận này:

“Muốn phiêu, nên chạy số sàn

Đi số tự động thì nhàn chân tay

Số sàn rèn luyện cũng hay

Đạp côn, về số, vọt ngay tức thì”
 

  • Lúc cần thiết, tài xế không tự điều chỉnh số được theo ý mình. Tất nhiên tự động cũng có cái hay, nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn không thể “thông minh” hơn con người và vẫn cần tài xế can thiệp trực tiếp để đảm bảo tính tối ưu. Để khắc phục nhược điểm này, hiện nay hầu hết các xe tự động đều trang bị số bán tự động, cho phép tài xế chuyển sang chế độ điều khiển số bằng tay theo ý mình. Chế độ này rất phù hợp để đi địa hình khó, khi lên dốc hoặc xuống dốc dài, cần duy trì máy khỏe và chạy tốc độ thấp.
  • Nhầm lẫn trong thao tác chân ga với phanh dễ gây tai nạn (trường hợp “xe điên” xảy ra gần đây). Xe số sàn thì nếu nhầm lẫn như vậy thì khả năng gây tai nạn cũng thấp hơn, vì luống cuống nhả chân côn là xe chết máy.
  • Trên một số mẫu xe, vị trí các số trên cần số có khoảng cách khá gần nhau, lại nằm trên đường thẳng. Do đó, nếu người lái thiếu cẩn trọng hoặc chưa quen xe thì có thể xảy ra tình trạng nhầm số, ví dụ nhầm giữa số tiến (D) với số lùi (R), hoặc khi cần dừng xe trước đèn đỏ lại không về chế độ đỗ (P), mà đã buông chân phanh! Ở xe số sàn, nếu nhầm lẫn như vậy, xe sẽ bị chết máy, nên cũng đỡ gây mất an toàn
  • Với những ưu nhược điểm như trên, bạn cũng cần lưu ý một điểm khi sử dụng loại xe tự động để có thể phát huy tối đa những lợi thế và đảm bảo lái xe an toàn.

Lưu ý khi lái xe số tự động

  • Không dùng chân trái trong suốt quá trình điều khiển, chỉ dùng chân phải để đạp ga hoặc phanh. Tuyệt đối tránh tình trạng chân trái đạp ga, chân phải đạp phanh, vì như vậy rất dễ nhầm lẫn, dẫn tới mất kiểm soát tốc độ, gây mất an toàn.
  • Luôn đạp phanh khi chuyển số, chẳng hạn từ P sang D, hay từ N sang R. Thói quen này sẽ giúp tránh được xe chuyển động bất thình lình, mất kiểm soát.
  • Không về số N khi xe dang di chuyển, đặc biệt là khi xuống dốc, vì như vậy sẽ làm mất khả năng hãm bằng động cơ.