• Luật giao thông
  • Giải đáp TOP 5 thắc mắc khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe

Giải đáp TOP 5 thắc mắc khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe

Có thể nộp phạt luôn cho cảnh sát giao thông ? Xử phạt hành vi chạy trốn khi bị CSGT thổi còi ? Đối tượng được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông ? Có cần trình chứng minh thư khi bị cảnh sát dừng xe ? Cảnh sát giao thông có được mặc thường phục ? Xử phạt hành vi chạy trốn khi bị CSGT thổi còi

Đây đều là các câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người bởi vì nếu không nắm kỹ sẽ khiến bạn có nguy cơ bị xử phạt nặng, bị tước giấy phép lái xe, thậm chí bị thu giữ phương tiện.

Chắc hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng thật sự khó khăn để có thể nắm đầy đủ và chính xác các quy định mới nhất về Luật giao thông. Bởi vì có thể đã có thay đổi bổ sung từ Luật mà bạn chưa kịp thời nắm dẫn tới những hiểu lầm tai hại sau này.

Nhưng hóa ra việc cập nhật những quy định mới nhất liên quan Luật giao thông đường bộ không khó như bạn nghĩ !

Những gì bạn cần làm chính là đọc thật kỹ những cập nhật thông tin liên quan tới cách đóng phạt vi phạm giao thông, mức phạt hành vi chạy trốn khi bị CSGT thổi còi ? Ai sẽ được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông ? Các loại giấy tờ cần chuẩn bị sẵn trong người khi lái xe

Nghe thật thú vị đúng không ? Nếu bạn muốn biết nhiều hơn, tất cả những gì bạn phải làm là đọc tiếp phần bên dưới!

1. Có thể nộp phạt luôn cho cảnh sát giao thông?

Trường hợp vi phạm luật giao thông, nhiều người thắc mắc về việc có thể nộp phạt tại chỗ cho cảnh sát để không mất thời gian tới kho bạc được không? Tôi xin giúp bạn gỡ rối thắc mắc trên ngay sau đây:

Với mức phạt dưới 250.000 đồng, theo điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Với trường hợp này, người vi phạm được quyền nộp tiền phạt tại chỗ cho cảnh sát giao thông. Người thu có trách nhiệm giao lại chứng từ. Sau đó, người thu tiền phải nộp số tiền đó về Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong hai ngày làm việc, kể từ ngày thu.

Trường hợp không nộp tiền phạt tại chỗ, thì người vi phạm sẽ nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Đối với mức phạt tiền trên 250.000 đồng, bạn nhận biên bản, quyết định xử phạt, rồi đến kho bạc gần nhất để nộp phạt. Sau đó, bạn cầm biên lai về cơ quan cảnh sát giao thông để được nhận lại giấy phép lái xe bị tạm giữ.

Dưới đây là một số lỗi vi phạm giao thông thường gặp ở xe máy:

  • Lỗi phạt dưới 250.000 đồng: Không có gương, không có đủ đèn tín hiệu, tự ý thay đổi màu sơn, tem xe…
  • Lỗi bị phạt trên 200.000 đồng: Phóng quá tốc độ, lái ô tô có nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích, sử dụng biển số giả…
Trường hợp vi phạm luật giao thông nộp phạt trực tiếp CSGT
Trường hợp vi phạm luật giao thông nộp phạt trực tiếp CSGT

2. Đối tượng được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông ?

Căn cứ điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cá nhân bị phạt tiền từ ba triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc mà không có khả năng thi hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông thì có thể được xem xét miễn, giảm tiền phạt.

Trong trường hợp này, người bị phạt phải có đơn đề nghị miễn, giảm phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong năm ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị miễn, giảm biết; nếu không đồng ý với việc miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.

Trường hợp Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định xử phạt thì UBND cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc miễn, giảm tiền phạt. Cá nhân được miễn, giảm tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định.

Tóm lại, việc có được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông hay không là do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định

3. Có cần trình chứng minh thư khi bị cảnh sát dừng xe?

Khi bị cảnh sát giao thông dừng xe và yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân để kiểm tra, nhiều người thắc mắc về việc có quyền từ chối yêu cầu đó hay không. Tôi tiếp tục giúp bạn gở rối thắc mắc đó ở nội dung dưới đây:

Theo khoản 1 điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA, cảnh sát giao thông được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.

Do đó, CSGT hoàn toàn có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình chứng minh nhân dân để kiểm soát theo quy định.

Ngoài ra, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông không xuất trình chứng minh nhân dân để cảnh sát giao thông kiểm soát thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng về lỗi “không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền”.

*** Chuyên gia giải đáp thắc mắc: Bị tịch thu bằng lái xe có thi lại được không ?

Xuất trình giấy tờ kiểm tra xe
Xuất trình giấy tờ kiểm tra xe

4. Cảnh sát giao thông có được mặc thường phục ?

Rất nhiều người có chung thắc mắc khi bắn tốc độ, cảnh sát giao thông có được hóa trang bằng cách mặc thường phục ?

Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) khẳng định việc CSGT hóa trang khi bắn tốc độ là đúng quy định.

Căn cứ theo thông tư 65/2020 của Bộ Công an quy định trong trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó có việc bắn tốc độ), lực lượng CSGT được bố trí một bộ phận cán bộ mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Nhiệm vụ của các cán bộ này sẽ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Người dân cho rằng những CSGT không mặc cảnh phục đấy chính là CSGT hóa trang.

Khi phát hiện vi phạm, CSGT hóa trang phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo C08, thẩm quyền quyết định việc mặc trang phục cảnh sát hay thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.

Thực tế dù cho họ mặc trang phục nào đi chăng nữa thì quyết định đều phải được ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Kế hoạch này sẽ được công khai (niêm yết tại trụ sở, đăng trên cổng thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác) để người dân giám sát.

Cảnh sát giao thông có được mặc thường phục khi làm nhiệm vụ bắn tốc độ
Cảnh sát giao thông có được mặc thường phục khi làm nhiệm vụ bắn tốc độ

5. Xử phạt hành vi chạy trốn khi bị CSGT thổi còi

Người điều khiển phương tiện cố ý không tuân thủ chấp hành theo hiệu lệnh dừng xe của CSGT và cố tình bỏ trốn nhằm tránh bị xử phạt. Hành vi đó là phạm luật và sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Cụ thể hành vi đó sẽ bị xử phạt như sau.

*** Mức phạt đối với hành vi xe máy chạy trốn khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT

Đối với người điều khiển phương tiện xe máy hoặc các loại phương tiện khác tương tự, nếu có hành vi bỏ trốn, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT sẽ phải chịu mức xử phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng (tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông).

*** Mức phạt đối với hành vi ô tô chạy trốn khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT

Đối với người điều khiển phương tiện xe ô tô hoặc các loại phương tiện khác tương tự, nếu có hành vi bỏ trốn, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT sẽ chịu mức phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng (tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông).

*** Mức phạt bổ xung cần lưu ý và những nguy cơ tiềm ẩn

Ngoài việc phải chịu mức phạt do có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT như trên, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ vẫn phải nhận mức xử phạt đối với lỗi vi phạm mà mình đã vi phạm trước đó. Khi kết hợp cả 2 mức xử phạt lại sẽ rất nặng. Ngoài ra, hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT và chạy trốn có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông trong quá trình chạy trốn.

Hy vọng DailyXe đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích khi tham gia giao thông !

Nguồn: DailyXe