- ›
- Kinh nghiệm lái xe
- ›
- Ưu nhược điểm của dòng xe dẫn động một cầu 2WD
Ưu nhược điểm của dòng xe dẫn động một cầu 2WD
Hệ thống dẫn động 2WD vẫn là sự lựa chọn của nhiều mẫu xe nhờ chi phí chế tạo rẻ hơn 4WD.
Khi mua xe ô tô, nhiều khách hàng chủ yếu quan tâm đến các thông số như kiểu dáng, động cơ, trang bị tiện nghi hay tính năng an toàn nhưng có một thông số mà ít người quan tâm, đó chính là hệ thống dẫn động. Hệ thống dẫn động phổ biến hiện nay được hiểu theo thuật ngữ 2WD (dẫn động 1 cầu) và 4WD (dẫn động 2 cầu). Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hệ thống 2WD.
Hệ thống dẫn động 2WD là gì?
2 là 2 bánh, WD (viết tắt của cụm từ Wheel Drive) được hiểu là hệ thống dẫn động. Một chiếc xe ô tô muốn vận hành được thì chắc chắn không thể thiếu được hệ thống dẫn động. Nói một cách dễ hiểu là hệ thống này sẽ giúp truyền tải công suất và mô-men xoắn của động cơ tới 2 bánh xe giúp chiếc xe chuyển động.
Còn thuật ngữ 4WD sẽ được hiểu là hệ thống dẫn động 4 bánh. Sự khác biệt cơ bản giữa 2WD và 4WD nằm ở số lượng bánh được truyền động. Tuy nhiên, khi nhắc đến hệ thống dẫn động 2WD, chúng lại được chia thành 2 loại: Dẫn động cầu trước (FWD) và dẫn động cầu sau (RWD).
Hệ thống dẫn động 2 bánh sau gắn liền với Benz Patent Motorwagen 1885 – chiếc xe ô tô đầu tiên trên thế giới.
Hệ thống dẫn động cầu sau RWD là kiểu bố trí được hình thành từ thời kỳ đầu của ngành công nghiệp ô tô và nó vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Với kiểu dẫn động RWD, sức mạnh của động cơ sẽ được truyền tới trục bánh phía sau. Benz Patent Motorwagen 1885 được coi là chiếc xe đầu tiên trên thế giới sử dụng kiểu dẫn động này.
Trong suốt quãng thời gian thập niên 70 trở về trước, kiểu dẫn động bánh sau được sử dụng một cách phổ biến trên các mẫu xe hơi. Ở thời điểm hiện tại, những mẫu xe sử dụng kiểu dẫn động này không còn nhiều, chủ yếu xuất hiện trên những dòng xe cao cấp, chiếc xe thể thao, xe đua hay xe tải.
Citroen Traction Avant chiếc xe mở ra kỷ nguyên của hệ thống dẫn động bánh trước.
Còn hệ thống dẫn động bánh trước FWD là một kiểu bố trí cho phép sức mạnh của động cơ được gửi tới trục bánh trước. Hệ thống dẫn động FWD lần đầu tiên được giới thiệu trên một số nguyên mẫu vào những năm 1900 và trở thành một nền tảng dẫn động được phổ cập vào những năm 1930 khi hãng xe Citroen của Pháp giới thiệu mẫu Traction Avant.
Sau đó, các hãng xe của châu Âu như Saab, Audi cũng tiếp bước Citroen để chuyển sang sử dụng kiểu dẫn động FWD, trong đó chiếc xe sử dụng dẫn động bánh trước nổi tiếng nhất và tạo được sức ảnh hưởng nhất chắc chắn phải kể tới mẫu Mini. Vào những năm 1970, cuộc khủng hoảng dầu mỏ khiến các hãng xe chuyển hướng sang sản xuất những chiếc xe có tính kinh tế cao sử dụng hệ thống dẫn động FWD.
Mini 1959 là chiếc xe dẫn động bánh trước FWD tạo được sức ảnh hưởng lớn nhất.
Đến nay, hầu hết những chiếc xe mới được bán ra đều sử dụng kiểu dẫn động này, phổ biến trên những mẫu xe phổ thông sử dụng động cơ nằm ngang với mục đích ưu tiên về giá bán và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Ưu nhược điểm của hệ thống dẫn động 2WD
Ưu điểm của hệ thống dẫn động 2WD nằm ở 3 yếu tố: Chi phí sản xuất thấp, giảm trọng lượng xe và tiết kiệm nhiên liệu. Còn nhược điểm của hệ thống dẫn động 2WD sẽ là dễ bị trơn trượt, sa lầy khi đi vào đường địa hình xấu, trời mưa…
Xe sử dụng dẫn động bánh sau RWD
Kiểu dẫn động bánh sau có cách bố trí động cơ đa dạng.
Đây là kiểu dẫn động ưu thích của những chiếc xe hiệu suất cao vì cách bố trí của kiểu RWD rất linh hoạt. Nói cách khác, những chiếc xe dẫn động bánh sau có thể đặt động cơ ở phía trước, giữa hoặc trong một số trường hợp còn có thể đặt ở phía sau.
Theo kinh nghiệm lái xe của những người tài xế thích cảm giác lái, những chiếc xe dẫn động bánh sau còn đem lại cho họ cảm giác xử lý tốt hơn, cân bằng hơn nhờ trọng lượng được phân bố đều hai trục bánh xe. Khả năng tải tốt hơn khi bánh trước được giảm bớt áp lực. Do trọng tải phân bổ đều lên hai trục bánh xe nên khả năng phanh cũng sẽ cải thiện hơn.
Mặc dù có tuổi đời và lịch sử gắn liền với ngành công nghiệp ô tô, được người dùng ưa thích trong một thời gian dài nhưng điểm yếu của hệ thống dẫn động RWD là khiến cho người lái khó xử lý hơn trong điều kiện thời tiết xấu, đặc biệt trên những đoạn đường trơn trượt.
Ngay cả với hệ thống kiểm soát lực kéo hiện đại, một chiếc xe RWD vẫn dễ bị mất lực kéo. Hơn nữa, không phải ai cũng đủ kỹ năng để xử lý các tình huống đó, chính vì vậy đối tượng sử dụng những chiếc xe RWD hầu hết là những lái xe chuyên nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống dẫn động RWD còn chiếm khá nhiều không gian bên trong xe bởi việc truyền sức mạnh từ động cơ đặt trước tới trục bánh sau đòi hỏi có thêm trục truyền động. Điều này vô hình chung khiến các nhà thiết kế buộc phải tạo ra một ụ nổi cồng kềnh chạy giữa cabin.
Xe sử dụng dẫn động bánh trước FWD
Có thể nói, kiểu dẫn động bánh trước FWD được ra đời để khắc phục những điểm yếu mà kiểu dẫn động bánh sau RWD đang có. Đầu tiên là tính kinh tế khi chi phí thiết kế và chế tạo kiểu dẫn động FWD rẻ hơn so với kiểu RWD. Chiếc xe sẽ có ít bộ phận hơn nên kiểu dẫn động FWD cũng giúp giảm trọng lượng của xe, sàn xe phẳng hơn nhờ loại bỏ các cụm truyền động và trục riêng biệt vốn được sử dụng trong các mẫu xe RWD.
Từ đó chiếc xe có khả năng tiết kiệm nhiên liệu hơn. Đây là lý do tại sao kiểu dẫn động FWD thường được tìm thấy trong các loại xe kinh tế và có giá bán thấp. Bên cạnh đó, khoảng cách truyền động từ động cơ tới trục bánh trước được rút ngắn, giúp tối ưu công suất được sinh ra.
Cuối cùng là những chiếc xe dẫn động bánh trước hoạt động tốt hơn trong các tình huống lái xe hàng ngày, đặc biệt trong điều kiện đường trơn trượt. Đó là bởi vì cả động cơ và hệ truyền động đều được đặt ở phía trước, góp phần tăng thêm trọng lượng cho các bánh dẫn động, từ đó tăng thêm lực kéo cho các tình huống trơn trượt.
Nhược điểm của kiểu dẫn động FWD là do phần đầu xe nặng hơn, trọng lượng phân bổ không đều nên không tối ưu cho việc xử lý, đặc biệt là khi chạy ở tốc độ cao. Một vấn đề khác là bánh trước đồng thời phải đảm nhiệm hai việc cùng lúc gồm dẫn động và chuyển hướng nên nó cũng sẽ không phát huy khả năng tối đa đối với một chiếc xe hiệu suất cao hay xe thể thao.
Điều cuối cùng cần biết về kiểu dẫn động FWD là các khớp bán trục và khớp vận tốc không đổi dễ bị hư hỏng nên cần được chăm chút nhiều hơn theo thời gian.
Tổng kết
Nhìn chung, do hệ thống dẫn động 2WD lại chia thành 2 kiểu dẫn động nên rất khó để nhận xét cái nào tốt hơn bởi nó còn phụ thuộc vào tình huống vận hành trên đường. Các mẫu xe ô tô sử dụng kiểu dẫn động cầu trước và cầu sau đều có nhược điểm nhất định. Nhưng cả hai cũng có những lý do để chứng tỏ nó là sự lựa chọn tốt, nhất là khi nó được đi kèm một bộ lốp phù hợp.
Ảnh: Internet